THOÁI HOÁ VÕNG MẠC: BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA CẬN THỊ CAO

Cận thị không đơn giản chỉ là vấn đề mắt mờ hay bất tiện khi đeo kính. Những người cận thị nặng (cận >6D) không chỉ gặp bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày mà còn có nguy cơ mắc hàng loạt các biến chứng ở võng mạc như: thoái hóa võng mạc chu biên, bong võng mạc…

Thoái hóa võng mạc là gì?

Võng mạc là lớp màng thần kinh ở phía trong cùng của nhãn cầu, dầy khoảng 0.4mm, có nhiệm vụ tiếp nhận ánh sáng từ giác mạc và thủy tinh thể hội tụ lại. Võng mạc đóng vai trò quan trọng về mặt thị giác, một tổn thương nhỏ ở võng mạc cũng có thể gây nên sự suy giảm đáng kể về thị lực, thậm chí mù lòa.Ở người cận thị, đặc biệt là cận thị nặng, trục nhãn cầu phát triền dài hơn bình thường làm cho võng mạc bị kéo căng, trở nên mỏng đi và thoái hoá thành những mảng teo võng mạc dạng oval hay dải dài, xuất hiện đơn lẻ hay kích thước khác nhau ở vùng chu biên của đáy mắt. Thoái hóa võng mạc là thuật ngữ nhằm ám chỉ các tổn thương của lớp tế bào võng mạc trong mắt, trong đó thoái hóa điểm vàng là thể bệnh nguy hiểm nhất của thoái hóa võng mạc.

Nguyên nhân của bệnh Thoái hóa võng mạc:

Võng mạc được cung cấp bởi các nhánh mạch máu nhỏ từ động mạch võng mạc trung tâm. Những tác nhân gây tổn thương các nhánh mạch máu này làm ảnh hưởng đến việc cung cấp máu cho lớp tế bào võng mạc đều được xem là nguyên nhân thoái hóa võng mạc. Có thể chia thành hai nhóm nguyên nhân theo diễn tiến của bệnh như sau:

Bệnh thoái hóa võng mạc không tăng sinh:

Lưu lượng máu đến nuôi tế bào võng mạc bất thường, gây ra do những thương tổn trực tiếp hoặc là kết quả của sự tái tạo của các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc. Có ba cơ chế tổn thương chính trong bệnh võng mạc không tăng sinh: phá hủy mạch máu, tổn thương võng mạc trực tiếp và tắc nghẽn mạch máu. Nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thoái hóa võng mạc không tăng sinh bao gồm:

  • Tăng huyết áp: áp lực cao trong mạch máu hệ thống làm cho thành động mạch dày lên, bao gồm cả động mạch nuôi võng mạc, làm giảm hiệu quả lưu lượng máu đến võng mạc. Sự giảm lưu lượng này gây ra thiếu máu cục bộ mô dẫn đến tổn thương võng mạc, gây nên bệnh võng mạc tăng huyết áp.
  • Xơ vữa động mạch: cũng gây hẹp lòng động mạch và giảm lưu lượng máu đến nuôi võng mạc.
  • Sinh non: các tế bào võng mạc bị tổn thương trực tiếp ngay từ lúc sinh, gọi là bệnh võng mạc do sinh non.
  • Phóng xạ: tia xạ gây tổn thương trực tiếp lên các tế bào võng mạc. Bệnh võng mạc do tia xạ có thể là biến chứng của các trường hợp xạ trị các khối u vùng đầu mặt cổ.
  • Bệnh hồng cầu hình liềm: cơ thể đáp ứng với bệnh hồng cầu hình liềm bằng cách tăng sinh các tế bào máu làm cho độ quánh của máu tăng lên. Từ đó làm tốc độ dòng chảy chậm lại, đặc biệt trong các động mạch nhỏ như động mạch võng mạc, cuối cùng giảm lưu lượng máu đến nuôi võng mạc. Trong trường hợp này, các cục máu đông cũng dễ hình thành hơn, ngăn chặn dòng máu đến võng mạc gây chết tế bào.

Bệnh thoái hóa võng mạc tăng sinh

Đây là trường hợp bệnh có liên quan đến sự tăng trưởng bất thường của mạch máu. Thông thường, sự tăng sinh mạch là quá trình tự nhiên của sự phát triển và hình thành mô. Khi tốc độ tăng sinh mạch cao bất thường, các mạch máu phát triển quá mức thì được gọi là tân mạch. Các mạch máu phát triển quá mức này thường mỏng manh, yếu và tưới máu không hiệu quả cho các mô võng mạc. Điều này làm cho bệnh thoái hóa võng mạc tăng sinh có tiên lượng xấu hơn vì  nguy cơ xuất huyết mạch cao hơn thường dẫn đến mất thị lực và mù lòa.

Nhiều nguyên nhân được đề cập trong bệnh thoái hóa võng mạc không tăng sinh cũng có thể gây ra bệnh thoái hóa võng mạc tăng sinh ở giai đoạn sau. Đái tháo đường, gây ra bệnh lý võng mạc đái tháo đường, là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh võng mạc tăng sinh trên thế giới.

Nguyên nhân khác

  • Đột biến gen là nguyên nhân hiếm gặp của thoái hóa võng mạc. Đột biến gen thường liên quan đến nhiễm sắc thể X bao gồm họ gen NDP gây ra bệnh Norrie, FEVR và bệnh Coats. Chấn thương, đặc biệt là ở đầu và một số bệnh cũng có thể gây ra thoái hóa võng mạc. Ở những bệnh nhân lớn tuổi, quá trình lão hóa cùng với sự tác động từ bên ngoài như khói bụi cũng là nguyên nhân của bệnh thoái hóa võng mạc tuổi già.
  • Quá trình lão hóa do tuổi cao cùng sự tác động của môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi, chế độ ăn không đảm bảo đã khiến những carotenoid của điểm vàng dần bị thoái hóa, tổn thương gây suy giảm chức năng của điểm vàng, ảnh hưởng lớn đến thị lực của mắt.

Triệu chứng của bệnh Thoái hóa võng mạc:

Nhiều người mắc bệnh nhưng không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào nên thường đến khám rất muộn, hạn chế hiệu quả của việc điều trị. Người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu thoái hóa võng mạc sau:

  • Giảm thị lực, mắt nhìn mờ. Nếu mất thị lực chỉ xảy ra ở một mắt, người bệnh thường khó nhận thấy vì mắt lành bên còn lại có thể nhìn thấy rõ ràng
  • Xuất huyết thủy tinh thể
  • Xuất hiện điểm mù trước mắt
  • Mắt thường không đau.
  • Đột ngột nhìn thấy hiện tượng ruồi bay.
  • Thấy mắt có chớp sáng bên trong.
  • Có quầng đen lan dần từ phía xa đến vùng trung tâm (khuyết thị trường).

Bệnh thường biểu hiện triệu chứng khi vào giai đoạn muộn, khó điều trị. Vì vậy khi gặp phải bất kỳ triệu chứng bất thường nào, người bệnh cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt để được khám, tư vấn và điều trị.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *