Kính áp tròng giúp cho những người mắc tật cận thị nhìn sáng rõ mọi vật mà không cần đeo thêm chiếc kính gọng vướng víu. Nó vừa tiện lợi lại mang tính thời trang nên được khá nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên bạn có thể gặp phải rất nhiều biến chứng nguy hiểm nếu như sử dụng kính áp tròng không đúng cách và không chăm sóc mắt khi sử dụng loại kính này.
Lạm dụng kính áp tròng sẽ dẫn đến thiếu oxy giác mạc:
Các chất liệu làm kính áp tròng mềm thông thường chỉ đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho giác mạc khi mắt hoạt động chứ không thể đảm bảo lượng oxy khi ngủ. Các kính áp tròng có công suất cao (cận, viễn nặng) hoặc kính loạn thị thường có thể làm giảm lượng oxy vào mắt nhiều hơn. Các chất liệu truyền thống làm kính áp tròng thường không cho phép đeo kính ngủ qua đêm.
Tân mạch giác mạc
Đây là biến chứng thường gặp của thiếu oxy giác mạc mạn tính do kính áp tròng (nhất là các loại kính áp tròng có chỉ số thấm khí thấp). Thường tân mạch xuất hiện nhiều hơn ở vùng rìa cực trên giác mạc.
Nếu tân mạch xuất hiện trong nhu mô giác mạc thì bệnh nhân cần ngưng đeo kính ngay và nếu muốn tiếp tục đeo phải chuyển qua loại kính làm bằng chất liệu mới có tính thấm khí cao, đảm bảo cung cấp đủ oxy cho mắt ngay cả khi ngủ như: Silicon Hydrogel.
Thay đổi độ cong giác mạc
Việc đeo kính áp tròng có thể gây biến dạng và thay đổi độ cong giác mạc. Nguyên nhân có thể do thiếu oxy giác mạc, hoặc do đeo kính áp tròng có bán kính cong không phù hợp với độ cong giác mạc. Điều này sẽ dẫn tới cảm giác mờ khi đeo kính gọng sau đó.
Viêm kết mạc
Kính áp tròng mềm có đặc tính ngậm nước do đó thường chứa cả các tác nhân hóa học gây mẫn cảm.
Các bệnh nhân đeo kính áp tròng mềm có nguy cơ giảm cảm giác và có các phản ứng dị ứng với độc chất. Tất cả các chất bảo quản và chất hóa học có tác dụng sát khuẩn đều có thể gây phản ứng mẫn cảm và đôi khi gây ra tăng sản hột. Thimerosal là chất bảo quản độc hại nhất..
Viêm giác mạc
Thường là các viêm giác mạc chấm nông, nếu nhẹ thường không có triệu chứng gì khi khám bằng sinh hiển vi thường có bắt màu nhẹ.
Viêm giác mạc do vi khuẩn thường gặp ở những người đeo KTX mềm hơn là kính cứng thấm khí và nguy cơ này sẽ tăng gấp 10-20 lần nếu đeo kính qua đêm.
Bạn không nên sử dụng kính áp tròng quá 8 tiếng 1 ngày. Với người thường xuyên phải làm việc trong môi trường ô nhiễm, chỉ nên đeo kính trong khoảng 3 đến 4 tiếng. Ngoài ra thời gian mắt nghỉ ngơi như ngủ trưa hay qua đêm cũng cần phải tháo kính áp tròng.